Khánh thành tuyến đường trọng điểm Hà Nội – Hưng Yên

Sáng 19/8, UBND huyện Gia Lâm-Hà Nội phối hợp cùng Liên danh Coma-Cotana tổ chức lễ khánh thành đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên, đoạn qua địa phận Hà Nội với tổng số vốn đầu tư là 560 tỷ đồng.

Dự án được triển khai theo hình thức hợp đồng Xây dựng – chuyển giao (BT), chiều dài 4.2km với quy mô chiều rộng 40m, 6 làn xe chạy, tốc độ tối đa 80km/h; dải phân cách cây xanh, hệ thống chiếu sáng, chỉ dẫn giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Tuyến đường trọng điểm Hà Nội - Hưng Yên

Tuyến đường trọng điểm Hà Nội – Hưng Yên

Khi đưa vào sử dụng, tuyến đường này sẽ đi qua khu đô thị Ecopark, kết nối tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên có điểm cuối giao với QL39 tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu.

Tổng vốn đầu tư cho toàn tuyến đường liên tỉnh dài 21km này lên tới gần 2.100 tỷ đồng.

Đây là một dự án quan trọng, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ từ đầu những năm 2000 về vấn đề đồng bộ mạng lưới hạ tầng của thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, đặc biệt là đối với những địa bàn có vai trò là đô thị vệ tinh như Hưng Yên. Là tuyến đường đầu tiên có quy mô lớn thực hiện chức năng kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam của thành phố Hà Nội với khu vực Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, dự án này góp phần rất lớn trong việc giảm tải cho Quốc lộ 5, làm hài hòa và đa dạng thêm mạng lưới giao thông của thủ đô với các tỉnh lân cận, góp phần thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế – văn hóa- xã hội, đồng thời cũng phục vụ rất tốt chủ trương giãn dân trong khu vực nội thành Hà Nội.

Hạ Tầng cơ sở tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên

Hạ tầng cơ sở tuyến đường Hà Nội – Hưng Yên

Phát biểu trong lễ khánh thành, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Hưng Yên là một tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, có quan hệ mật thiết về địa chính trị, kinh tế và giao thông với Hà Nội. Sau khi cầu Thanh Trì và vành đai 3 của Hà Nội được triển khai thì Hưng Yên và Hà Nội đã cùng chung một ý tưởng, đó là xây dựng tuyến đường chung để thông thương nhằm khai thác tiềm năng của khu vực Gia Lâm và các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ nối từ vành đai 3 về thành phố Hưng Yên. Đây là một cơ hội để các vùng trên phát triển.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ đường vành đai 3 cầu Thanh Trì đến Hưng Yên (Đoạn trên địa phận Hà Nội) sẽ tạo ra tuyến đường trục liên tỉnh mới nối Hà Nội với Hưng Yên, và hơn nữa là tạo động lực cho sự phát triển của 7 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp, thương mại và du lịch”.